Với mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân thu nhập thấp có điều kiện sở hữu cho mình ngôi nhà riêng và cũng là để vực thị trường BĐS dậy. Nhưng, có lẽ những ai thực sự cần giúp lại không dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tính toán rằng: Giả sử một hộ gia đình có đủ vợ đủ chồng có tổng thu nhập 18 triệu đồng vay mua một căn hộ 50m2 với giá 600 triệu (tương đương 12 triệu đồng/m2), họ phải có sẵn 20% số tiền (tương đương 120 triệu đồng) và cần vay ngân hàng 480 triệu đồng trong 10 năm. Với lãi suất 6%/năm, do lãi được tính theo dư nợ giảm dần, tiền phải trả ngân hàng bình quân khoảng hơn 25 triệu đồng, như vậy, mỗi tháng gia đình phải trả 4 triệu gốc và hơn 2 triệu tiền lãi. Với tối thiểu 30% tổng thu nhập (khoảng 6 triệu), gia đình này có thể trả nợ được. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu có thu nhập trên 18 triệu đồng/tháng thì mới đủ khả năng trả nợ thì không thể tính là người nghèo.
Trở ngại không dừng lại ở điều kiện khách mua BĐS thỏa mản có mức thu nhập được coi là Khá với 18 triệu đồng/tháng, người dân nếu muốn được hưởng hỗ trợ phải chấp nhận thế chấp chính căn hộ đang vay vón để mua hợp đồng. Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho rằng số lượng người tiêu dùng có khả năng đảm bảo đủ điều kiện để tiếp cận vốn không quá 50%. Nhưng nhận định của ông Thành chưa tính đến một điều kiện đặc biệt: Chỉ rót tiền cho các cá nhân ký hợp đồng sau thời điểm 7/1/2013. Theo lời giải thích của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thì điều này để “kỷ niệm” dấu mốc Nghị quyết 02 ra đời. Tuy nhiên, mốc này lại không áp dụng đối với doanh nghiệp. Ông Trần Văn Can – Tổng giám đốc Handico 5 – cho rằng quy định như vậy là trái với với chủ trương của Chính phủ và tiết lộ đã có ngân hàng (tên tuổi không được nêu ra) “xui” làm lại hợp đồng mua nhà cho người dân thuộc diện vay tiền mua. Trong khi đó, báo cáo với Chính phủ về tình hình bất động sản 5 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù có nhiều dự án đã giảm giá sâu, lùi về mức dưới 15 triệu đồng/m2, giao dịch trên thị trường vẫn đang “trong giai đoạn cầm chừng”. Như vậy, trước mắt sẽ không có quá nhiều “hợp đồng” đủ điều kiện về mốc thời gian và 30.000 tỷ sẽ không vơi đi quá nhiều.
Cùng với những vấn đề đã nêu ở trên thì dường như 1 hiện tượng mà ai cũng có thể nghĩ tới đó là người đủ điều kiện mua sau đó sẽ bán ngay giấy đó cho người khác, người vào ở nhiều khả năng không còn “nghèo” hay “thu nhập thấp” nữa. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng từng khẳng định: Nếu chỉ nhìn vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì “lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua”. Như vậy, cứu BĐS thì đã rõ, nhưng có phải hỗ trợ người nghèo không thì chưa thể khẳng định. Còn theo Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm – cựu Thống đốc NHNN – trả lời trên báo Đại Đoàn Kết, ở đâu cũng có thể xuất hiện nhóm lợi ích.