Theo thông báo từ các ngân hàng thương mại, kể từ sau thời điểm 1/6/2016 sẽ áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân của gói tín dụng 30 nghìn tỷ. Gói hỗ trợ này chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ hết hạn giải ngân.
Vào thời điểm thị trường BĐS gặp khó, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng như là một giải pháp hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cũng như người mua nhà ở tại các dự án này. Phân khúc này được đánh giá là phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân nên việc kéo phân khúc này sôi động trở lại sẽ lan tỏa dần ra thị trường và góp phần phá băng thị trường BĐS.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nhìn nhận, trong quá trình triển khai, gói hỗ trợ tín dụng này gặp không ít vướng mắc gây khó khăn trong việc giải ngân. Sau khi được sửa đổi một số nội dung thì đối tượng được vay gói hỗ trợ đã được nới rộng hơn rất nhiều, trong đó có các BĐS thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng.
![]() |
Thời hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ không còn nhiều, nếu có nhu cầu, khách hàng nên chọn những dự án xây xong phần thô hoặc nhà ở thương mại giá rẻ đã cất nóc |
Đồng thời, việc nới rộng điều kiện vay gói tín dụng ưu đãi với lãi suất chỉ 5%/năm cũng giúp cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, dự án đất nền ven đô tận dụng thời cơ để giải phóng bớt lượng hàng tồn kho. Theo Chủ tịch HoREA, hiệp hội cũng đã nhiều lần có văn bản đề xuất Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép kéo dài thời hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, cụ thể là đến năm 2018 và hạ lãi suất xuống mức 3,5 – 4%/năm cho phù hợp với người mua nhà. Tuy nhiên, phía NHNN không đồng ý các đề xuất này và giữ nguyên thời hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ vẫn.
Sáng ngày 9/3 vừa qua, nhiều khách hàng đã tá hỏa trước thông tin một số Ngân hàng thông báo phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30 nghìn, còn phần dư nợ vay giải ngân kể từ sau ngày 1/6/2016 sẽ áp lãi suất vay thương mại thông thường. Mức lãi suất này sẽ do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Châu nhấn mạnh, gói tín dụng hỗ trợ gồm hai thành phần được vay tiền mua nhà thực ra đã được quy định rõ từ năm 2013. Tất cả khách hàng khi đặc bút ký hợp đồng đều được giải thích rất rõ những quy định này. Cụ thể, đối với khoản cho vay mua nhà ở xã hội thì sẽ thực hiện theo Luật Nhà ở sửa đổi và Nghị định 100 của Chính phủ, do đó lãi suất cho vay và thời gian cho vay vẫn giữ nguyên. Hiện tại, NHNN đã chỉ định 4 Ngân hàng thương mại cùng tham gia với Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành giải ngân nốt gói tín dụng này, vì thế người mua nhà có thể yên tâm.
Còn đối với phần tín dụng cho vay để mua nhà ở thương mại giá rẻ dưới 1,05 tỷ đồng thì sẽ bị ảnh hưởng. Vì NHNN cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại các ngân hàng vẫn thực hiện đúng tiến độ giải ngân của phần tín dụng này. Điều này cũng có nghĩa là nếu khách hàng vay khoảng 600 triệu đồng để mua nhà dạng này thì tính đến ngày 31/5/2016 số tiền giải ngân mới được 400 triệu đồng, như vậy 200 triệu đồng còn lại khách hàng sẽ phải chịu lãi suất thương mại thông thường dựa trên sự thoả thuận với Ngân hàng là điều dễ hiểu.
Cũng theo lời ông Châu, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp tốt nhất với các khách hàng có nhu cầu là nên chọn mua những dự án đã xây xong phần thô hoặc nhà ở thương mại giá rẻ đã cất nóc, vì vẫn có thể sẽ vay được từ 80- 90% giá trị nhà vào thời điểm ký hợp đồng mua nhà. Như vậy, khách hàng cũng sẽ được giải ngân vốn vay nhiều hơn và phần còn lại thì khách hàng sẽ trả lãi suất nhanh hơn, gặp ít áp lực hơn. Trường hợp khách hàng đi mua nhà mới xây xong móng hoặc thanh toán theo tiến độ xây dựng thì chắc chắn tỷ lệ giải ngân sẽ thấp.