VLXD kém chất lượng: Mối nguy đối với người tiêu dùng

Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước hiện đang bị “bủa vây” bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc buông lỏng quản lý cũng như các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh đang gây ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng và uy tín của nhiều thương hiệu sản xuất VLXD có tiếng trong nước.

Khó kiểm soát

Thị trường VLXD trong nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loại hàng giả, hàng kém chất lượng có xuất sứ từ Trung Quốc. Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho biết, số vụ phát hiện, bắt giữ liên quan đến các mặt hàng vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu liên quan đến các mặt hàng như: Tôn thép (thép không gỉ, dây thép hợp kim, thép hình, tôn màu); gạch xây, gạch tráng men và không tráng men, gạch ốp tường, gạch lát nền (ceramic và granite); các loại sứ, thiết bị vệ sinh (bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa…); ống nhựa uPVC, gỗ lát sàn; giấy dán tường,…

Được biết, các mặt hàng này chủ yếu có xuất sứ từ Trung Quốc với địa bàn buôn bán, nhập lậu chủ yếu tại khu vực cửa khẩu các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội…

VLXD

Thị trường VLXD trong nước đang bị nhiễu loạn bởi sự trà trộn của nhiều mặt hàng

không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa

Nắm bắt nhu cầu thị trường, các mặt hàng của Trung Quốc có tốc độ ra mẫu mới, màu mới luôn nhanh hơn so với các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Mặt khác, có tình trạng nhiều chủ cửa hàng kinh doanh lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng đã trà trộn hàng giả với hàng thật để buôn bán nhằm chuộc lợi.

Theo thông tin từ phía Chi cục Quản lý thị trường, hiện nay, tình trạng các mặt hàng VLXD không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, gian lận thương mại từ Trung Quốc “đội lốt” các thương hiệu chính hãng của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đang ngày càng diễn ra phổ biến. 

Các mặt hàng này có giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng và có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt; đặc biệt là các mặt hàng thiết bị vệ sinh như bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa…được làm nhái của các thương hiệu nổi tiếng như Toto, Inax, Kohler, Ceasar, American.

Đối với mặt hàng thép, thời gian vừa qua cũng xuất hiện tình trạng thép có trọng lượng, kích thước thấp hơn tiêu chuẩn quy định. Thủ đoạn gian lận thương mại chủ yếu của các cửa hàng kinh doanh tôn, thép là bán sai chủng loại khách hàng yêu cầu. Tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ đoạn gian lận chủ yếu là sản xuất thiếu chuẩn kích cỡ khoảng trên dưới 1 mm đường kính. Đối với thép cây, có hai dạng làm giảm đường kính bằng cách sản xuất thân thép nhỏ hơn tiêu chuẩn – thường gọi là thép “gầy”- trong khi phần gân nổi trên thân thép được nhô cao hơn để bù đắp.

Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh

Trên thực tế, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh thép giả còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, chất lượng các công trình xây dựng hiện nay.

Trao đổi với Pv, Anh Nguyễn Dũng, sinh sống tại phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Năm ngoái, nhà tôi dành dụm được một khoản tiền để sửa chữa căn nhà, do tin tưởng vào người nhận thầu nên gia đình khoán trắng cho họ đi mua bán các loại thiết bị sử dụng trong nhà vệ sinh với giá cả khá hợp lý và vừa túi tiền. Nhưng sử dụng được khoảng hơn 1 năm, các thiết bị này đã xuống cấp nhanh chóng, mặc dù đều gắn nhãn mác của các doanh nghiệp sản xuất có tiếng trong và ngoài nước. Đến bây giờ, lâm cảnh tiền mất tật mang, “bỏ thì thương, vương thì tội”, các loại thiết bị nhanh chóng hỏng hóc, xuống cấp, không giữ được màu men sáng bóng như ban đầu.

Trao đổi về các biện ngăn chặn vấn nạn mặt hàng VLXD giả, nhái, kém chất lượng, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, cơ quan này đang tập trung vào các nội dung kiểm tra về đăng ký kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; về quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của sản phẩm); các quy định về công bố tiêu chuẩn sản phẩm; việc ghi nhãn sản phẩm, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Thực hiện triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu. Trong đó, thép, vật liệu xây dựng là một trong các mặt hàng được lực lượng quản lý thị trường cả nước chú trọng kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trong vòng hai năm trở lại đây, đối với mặt hàng tôn thép, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra: 1.858 vụ; xử lý vi phạm: 889 vụ; Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.022.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa, niêm yết giá, đo lường chất lượng, kinh doanh sai nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đối với các mặt hàng VLXD khác (gạch men, gạch ốp tường, gạch lát nền, thiết bị vệ sinh) lực lượng thị trường đã tiến hành kiểm tra 593 vụ, xử lý vi phạm 353 vụ, xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 1.5 tỷ đồng…

Mặc dù các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý, song tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện ngày một nhiều và có diễn biến phức tạp. 

Thực tế này là do cơ chế phối hợp và các chế tài xử lý về hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, nhiều đơn vị kinh doanh vì lợi nhuận đã trà trộn, tiếp tay cho không ít các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất sứ gây nhiễu loạn thị trường. Do đó, cần phải có sự “mạnh tay” của các lực lượng chức năng, sự vào cuộc của cả xã hội và hơn hết là việc sửa đổi, bổ sung một số điều luật liên quan đến việc kiểm soát các loại hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Trả lời

Call Now Button
%d bloggers like this: