Chính phủ muốn tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Bộ Giao thông – Vận tải dự kiến, từ nay đến năm 2020, sẽ thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc thí điểm tuyến từ Tp.HCM đi Long Thành (Đồng Nai) để đến năm 2050 sẽ xây dựng toàn tuyến Hà Nội – Tp.HCM.

Đây là thông tin được đưa ra tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật đường sắt (sửa đổi) diễn ra chiều 12-9. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao, nhằm kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải khác. Dự thảo cũng nhấn mạnh, hành lang an toàn của đường sắt tốc độ cao phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chống mọi hành vi xâm nhập trái phép của người, phương tiện, súc vật.

dự án đường sắt cao tốc

Dự kiến đường sắt cao tốc sẽ có đoạn thí điểm sau năm 2020

Ông Phan Xuân Dũng Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, có ý kiến trong ban thẩm tra đề nghị cần quy định rõ loại hình công nghệ trong đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nguồn tài chính và lộ trình thực hiện cũng như những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao.

Ủng hộ quan điểm phải có đường sắt tốc độ cao, song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tỏ ra băn khoăn về kinh phí đầu tư, cần có một nguồn lực rất lớn nhưng không biết hiệu quả ra sao? Đường sắt tốc độ cao có thu hút được hành khách không, có cạnh tranh nổi với các dịch vụ vận tải khác, đặc biệt với ngành hàng không?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến năm 2030, nếu như Việt Nam xây dựng các dự án khác như cảng hàng không, đường bộ cao tốc Bắc – Nam từ 4 đến 6 làn xe và cải tạo đường sắt cũ với tốc độ 80km/giờ thì vẫn cần có thêm tuyến đường sắt mới vì khi đó, với khoảng 57 triệu hành khách/năm, bắt buộc phải có thêm đường sắt cao tốc Bắc – Nam mới có thể đáp ứng đủ.

Chiến lược Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030: Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, đây là công tác chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ ≥ 200 km/h). 

Từ những yêu cầu trên, Dự thảo Luật đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế ≥ 200 km/h) với các điều chủ yếu quy định về: chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.

Theo dự kiến, sẽ xây dựng tuyến thí điểm đường sắt cao tốc từ Sài Gòn đến Long Thành, giai đoạn tiếp theo sẽ tiến hành xây dựng các đoạn ưu tiên là Hà Nội – Vinh và TP.HCM. Ngoài năm 2030 trở ra sẽ nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội vào Đà Nẵng, từ TP.HCM đi ra Đà Nẵng. Như vậy có thể thấy không thể làm suốt tuyến Bắc – Nam ngay, nhưng cuối cùng sẽ kết nối được từ Bắc vào Nam – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Trả lời

Call Now Button
%d bloggers like this: